Vĩnh Phúc đẩy mạnh bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp
Với quan điểm đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư phát triển bền vững, ngay sau khi Nghị quyết số 41-NQ/TW (khóa IX) được ban hành, Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước. Theo đó, cùng với tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo; Tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý; chỉ đạo các cấp, ngành và các tổ chức đoàn thể xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Đồng thời, đưa tiêu chí về bảo vệ môi trường vào để đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình bầu gia đình văn hóa, thôn, làng, xã văn hóa... qua đó làm chuyển biến nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường thời kỳ CNH-HĐH, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Đến nay, tỉnh bố trí ngân sách trên 1.000 tỷ đồng cho bảo vệ môi trường; hỗ trợ trên 17.000 hầm biogas để xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi; phê duyệt 220 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 28 đề án bảo vệ môi trường chi tiết; thẩm định và cấp hơn 300 sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, 34 giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu…Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan thanh, kiểm tra 925 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, và hỗ trợ các loại máy môi trường cho các tổ dân làm sạch môi trường nông thôn.
Để giảm thiểu lượng chất thải công nghiệp và sinh hoạt phát sinh trên địa bàn hàng năm rất lớn, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án về bảo vệ môi trường. Hàng năm, các cơ quan chức năng tổ chức điều tra tổng thể nguồn và lượng chất thải nguy hại ở các cơ sở sản xuất, cơ sở y tế; đánh giá, xây dựng mạng lưới các điểm quan trắc hiện trạng môi trường. Đồng thời triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ, thí điểm như xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường nông thôn; cải thiện môi trường khu du lịch danh thắng Tây Thiên; nhân rộng mô hình hầm Biogas; hỗ trợ xây dựng hố thu gom chất thải nguy hải trong nông nghiệp; xử lý nước thải phân tán ở khu dân cư bằng bể Bastaf... Ngoài ra, các dự án: xây dựng hệ thống thoát và xử lý nước thải của thành phố Vĩnh Yên; nhân rộng mô hình xử lý rác thải nông thôn bằng lò đốt khí tự nhiên; mở rộng trạm quan trắc tự động...đang được triển khai thực hiện.
Xác định xã hội hóa bảo vệ môi trường là một trong những biện pháp tích cực góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, thời gian qua, tỉnh ta tập trung xây dựng nhiều cơ chế chính sách và biện pháp cụ thể để khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó tập trung vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn công nghiệp và rác thải sinh hoạt. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ xử lý, tái chế chất thải với quy mô lớn như Công ty tái chế Covi (KCN Bình Xuyên); Trung tâm tái chế và xử lý chất thải công nghiệp của Công ty TNHH Môi trường công nghiệp xanh, Công ty TNHH Song Tinh (thị xã Phúc Yên); Công ty TNHH chuyển giao công nghệ và xử lý môi trường (thành phố Vĩnh Yên)....Đến nay, toàn tỉnh thành lập được 123/125 xã, thị trấn có đội ngũ thu gom rác thải, với tỷ lệ thu gom đạt 50% góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, tận dụng được nguồn tài nguyên và đặc biệt là giải quyết một lượng lao động nhàn rỗi cho địa phương.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập: Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên thiên nhiên của nhiều cơ sở công nghiệp, SXKD, dịch vụ chưa cao; một bộ phận nhân dân chưa có ý thức trong bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, dẫn đến tình trạng đổ rác thải, phế thải không đúng nơi quy định, nhất là phế liệu xây dựng; tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về môi trường còn thiếu và yếu...
Để công tác bảo vệ môi trường thời kỳ CNH-HĐH của tỉnh thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư của tỉnh; sự vào cuộc của các cấp, ngành thì mỗi người dân là một tuyên truyền viên tích cực về bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp.